Tỉnh Trà Vinh

Trà Vinh là tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Trung tâm tỉnh lỵ là thành phố Trà Vinh, nằm trên Quốc lộ 53, cách Thành phố Hồ Chí Minh gần 200 km và cách thành phố Cần Thơ 100 km. Thành phố Trà Vinh có quyết định thành lập trên cơ sở thị xã Trà Vinh từ tháng 3 năm 2010.
 

 


Vị trí địa lý
Trà Vinh là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long; vị trí địa lý giới hạn từ 9°31'46" đến 10°4'5" vĩ độ Bắc và từ 105°57'16" đến 106°36'04" kinh độ Đông. Trà Vinh cách thành phố Hồ Chí Minh 200 km đi bằng quốc lộ 53, khoảng cách chỉ còn 130 km nếu đi bằng quốc lộ 60, cách thành phố Cần Thơ 95 km. Được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu với 02 cửa Cung Hầu và Định An nên giao thông đường thủy có điều kiện phát triển.

Trà Vinh là tỉnh duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long, phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp Vĩnh Long, phía Nam giáp Sóc Trăng, phía Bắc giáp tỉnh Bến Tre, có 65 km bờ biển.

Địa hình
Trà Vinh nằm ở phần cuối cù lao kẹp giữa sông Tiền và sông Hậu. Địa hình chủ yếu là những khu đất bằng phẳng với độ cao trên dưới 1m so với mặt biển. ở vùng đồng bằng ven biển nên có các giồng cát, chạy liên tục theo bình vòng cung và song song với bờ biển. Càng về phía biển, các giồng này càng cao và rộng lớn.

Do sự chia cắt bởi các giồng và hệ thống trục lộ, kinh rạch chằng chịt, địa hình toàn vùng khá phức tạp. Các vùng trũng xen kẹp với các giồng cao, xu thế độ dốc chỉ thể hiện trên từng cánh đồng. Riêng phần phía nam tỉnh là vùng đất thấp, bị các giống cát hình cánh cung chia cắt thành nhiều vùng trũng cục bộ, nhiều nơi chỉ ở độ cao 0,5-0,8 m nên hàng năm thường bị ngập mặn 0,4-0,8 m trong thời gian 3-5 tháng.

Sông ngòi
Trên địa bàn Trà Vinh có hệ thống sông chính với tổng chiều dài 578 km, trong đó có các sông lớn là sông Hậu, sông Cổ Chiên và sông Măng Thít. Các sông ngòi, kênh rạch trên địa bàn Trà Vinh hợp lưu đổ ra biển chủ yếu qua hai cửa sông chính là cửa Cổ Chiên hay còn gọi là cửa Cung Hầu và cửa Định An.

Khí hậu
Nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Trà Vinh cũng có những thuận lợi chung như: có điều kiện ánh sáng bức xạ dồi dào, nhiệt độ cao và ổn định, Tuy nhiên, do đặc thù của vùng khí hậu ven biển tỉnh Trà Vinh có một số hạn chế về mặt khí tượng như gió chướng mạnh, bốc hơi cao, mưa ít. Trà Vinh nằm trong vùng nhiệt đới có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình từ 26 - 27OC, độ ẩm trung bình 80 - 85%/năm, ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. mùa mưa từ tháng 5 - tháng 11, mùa khô từ tháng 12 - tháng 4 năm sau, lượng mưa trung bình từ 1.400 - 1.600 mm có điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất, kinh doanh và du lịch.

Hàng năm Hạn hán thường xảy ra gây khó khăn cho sản xuất với số ngày không mưa liên tục từ 10 đến 18 ngày, trong đó các huyện như Cầu Kè, Càng Long, Trà Cú là các huyện ít bị hạn. Huyện Tiểu Cần hạn đầu vụ khoảng tháng 6 và tháng 7 là quan trọng trong khi các huyện còn lại như Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải hạn giữa vụ nhưng tháng 7 và 8 thường nghiêm trọng hơn.
 

 


Lịch sử
Thời nhà Nguyễn, Trà Vinh là tên 1 huyện (trước đó là phủ) thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long được lập ra năm 1832.

Năm 1876, Pháp chia tỉnh Vĩnh Long cũ thành 3 tiểu khu (hạt tham biện): Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre.

Trà Vinh được thành lập theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương trên cơ sở đổi tên gọi tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement) thành tỉnh (province), kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900. Trà Vinh là 1 trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ lúc bấy giờ. Dưới thời Pháp thuộc, Trà Vinh gồm 8 quận bao gồm Càng Long, Cầu Ngang, Cầu Kè, Châu Thành, Long Toàn, Tiểu Cần, Trà Cú và Trà Ôn.

Ngày 27 tháng 6 năm 1951, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ thuộc chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định nhập 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Trà. Huyện Tiểu Cần được nhập vào huyện Càng Long. Tỉnh Vĩnh Trà tồn tại đến năm 1954.

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã nhập tỉnh Tam Cần vào tỉnh Trà Vinh, lập ra tỉnh Vĩnh Bình theo Sắc lệnh 143-NV của Tổng thống ngày 22 tháng 10 năm 1956.

Tuy nhiên, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi này mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Trà Vinh.

Tháng 2 năm 1976, Trà Vinh hợp nhất với Vĩnh Long thành tỉnh Cửu Long mãi cho đến ngày 26 tháng 12 năm 1991 mới tách ra như cũ. Khi tách ra, tỉnh Trà Vinh có diện tích 2363,03 km², dân số 961.638 người.

Dân cư
Trên địa bàn Trà Vinh có 3 dân tộc, đó là người Kinh (69%) và người Khmer (29%) và người Hoa chiếm phần còn lại. Dân số Trà Vinh chiếm 5,99% Đồng bằng sông Cửu Long (theo điều tra dân số năm 2000), trong đó hơn 87% sống ở khu nông thôn. Mật độ dân số 414 người/km², tỷ lệ tăng dân số năm 2000 là 1,65.

Theo tài liệu tổng điều tra dân số ngày 1 tháng 4 năm 1999, trên địa bàn Trà Vinh có trên 290,9 nghìn người Khmer, chiếm 30,1% dân số toàn tỉnh và chiếm 27,6% số người Khmer của cả nước. Đây là địa bàn cư trú lâu đời của cộng đồng dân tộc người Khmer có nền văn hóa dân tộc đặc trưng tiếng nói, chữ viết, món ăn và đặc biệt là hệ thống chùa rất đặc thù.

Các đơn vị hành chính
Thống kê đến ngày 30/12/2011 Tỉnh Trà Vinh có tổng số xã/phường/thị trấn: 105; xã: 85, phường: 9, thị trấn: 12.