Tỉnh Lâm Đồng

 

Lâm Đồng là một trong năm tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, đồng thời nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Nằm trên cao nguyên cao nhất của Tây Nguyên là Lâm Viên - Di Linh với độ cao 1500 mét so với mực nước biển và là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên không có đường biên giới quốc tế. Tỉnh lỵ là thành phố Đà Lạt nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 300 km về hướng nam, đồng thời cách cảng biển Nha Trang 210 km về hướng Đông.
 
 

Địa lý
Vị trí
Lâm Đồng thuộc Nam Tây Nguyên, có tọa độ địa lý từ 11˚12’- 12˚15’ vĩ độ bắc và 107˚45’ kinh độ đông. phía đông giáp với các tỉnh là Khánh Hoà và Ninh Thuận, phía tây nam giáp tỉnh Đồng Nai, phía nam và đông nam gáp tỉnh Bình Thuận, giáp tỉnh Đắc Lắc ở phía bắc.

Phía bắc tỉnh là dãy núi Yang Bông có đỉnh cao 1749 mét. Dãy núi phía nam có đỉnh Đan Sê Na cao 1950 mét, đỉnh Lang Biang cao 2163 mét, Hòn Giao cao 1948 mét. phía nam hai dãy núi là cao nguyên Lang Biang, trên đó có thành phố Đà Lạt ở độ cao 1475 mét. phía đông và nam tỉnh có cao nguyên Di Linh cao 1010 mét, địa hình khá bằng phẳng và đông dân cư, là nơi đầu nguồn của sông La Ngà.

Địa hình
Nằm ở phía nam Tây Nguyên, trên 3 cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của hệ thống sông suối lớn, địa hình đa số là núi và cao nguyên với độ cao trung bình từ 800 đến 1.000 mét so với mực nước biển, đồng thời cũng có những thung lũng nhỏ bằng phẳng. Đặc điểm nổi bật của địa hình tỉnh Lâm Đồng là sự phân bậc khá rõ ràng từ bắc xuống nam.

Khí hậu
Do chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa biến thiên theo độ cao, chính vì vậy khí hậu Lâm Đồng được chia làm 2 mùa riêng biệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ cũng thay đổi rõ rệt giữa các khu vực, càng lên cao nhiệt độ càng giảm. Nhiệt độ trung bình năm của tỉnh dao động từ 18 – 250C, thời tiết ôn hòa và mát mẻ quanh năm, thường ít có những biến động lớn trong chu kỳ năm. Lượng mưa trung bình 1.750 – 3.150 mm/năm, độ ẩm tương đối trung bình cả năm 85 – 87%. Đặc biệt Lâm Đồng có khí hậu ôn đới ngay trong vùng khí hậu nhiệt đới điển hình và nằm không xa các trung tâm đô thị lớn và vùng đồng bằng đông dân.

Nằm trong hệ thống sông Đồng Nai, có nguồn nước rất phong phú, mạng lưới suối khá dày đặc, tiềm năng thuỷ điện rất lớn, với 73 hồ chứa nước, 92 đập dâng. Sông suối trên địa bàn Lâm Đồng phân bố khá đồng đều, phần lớn sông suối chảy từ hướng đông bắc xuống tây nam, hầu hết các sông suối ở đây đều có lưu vực khá nhỏ và có nhiều ghềnh thác ở thượng nguồn.
 
 

Lịch sử
1 tháng 11 năm 1899, chính quyền Pháp lập tỉnh Đồng Nai Thượng (Province de Haut Donnai), tỉnh lỵ đặt tại Di Linh (Djiring).

Năm 1903, bãi bỏ tỉnh Đồng Nai Thượng, chuyển thành đại lý hành chính Di Linh, do đại diện của Công sứ Bình Thuận cai trị.

Năm 1913, nhập đại lí Đà Lạt với đại lý Di Linh, gọi chung là đại lý Di Linh và vẫn thuộc tỉnh Bình Thuận.

Ngày 6 tháng 1 năm 1916: thành lập tỉnh Lâm Viên, gồm đại lý Đà Lạt mới lập lại và đại lý Di Linh, tách từ tỉnh Bình Thuận. Tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt. Tỉnh Lâm Viên còn được gọi là Langbiang hay Lâm Biên.

Ngày 31 tháng 10 năm 1920: xóa bỏ tỉnh Lâm Viên, một phần lập ra thành phố Đà Lạt, phần còn lại lập lại tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt tại Di Linh. Năm 1928 chuyển tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai Thượng về Đà Lạt.

Ngày 8 tháng 1 năm 1941, lập lại tỉnh Lâm Viên, tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt. Tỉnh lị tỉnh Đồng Nai Thượng chuyển về Di Linh.

Ngày 19 tháng 5 năm 1958, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng, đồng thời tách một phần đất sáp nhập với thành phố Đà Lạt, thành lập tỉnh Tuyên Đức. Tỉnh Lâm Đồng gồm 2 quận Bảo Lộc (Blao) và Di Linh. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhập tỉnh Lâm Viên với tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng. Như vậy tỉnh Lâm Đồng do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đặt bao gồm 2 tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức do Việt Nam Cộng hòa đặt.

Tháng 2 năm 1976, sáp nhập tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Tuyên Đức thành tỉnh Lâm Đồng mới.

Dân cư
Tính đến năm 2011, dân số toàn tỉnh Lâm Đồng đạt gần 1.218.700 người, mật độ dân số đạt 125 người/km². Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 464.700 người, dân số sống tại nông thôn đạt 754.000 người. Dân số nam đạt 609.500 người, trong khi đó nữ đạt 609.200 người. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 13,3 ‰.

Theo thống kê của Tổng cục thống kê Việt Nam, tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, trên địa bàn toàn tỉnh có 43 dân tộc cùng 18 người nước ngoài sinh sống. Trong đó dân tộc kinh là đông nhất với 901.316 người, xếp ở vị trí thứ hai là người Cơ Ho với 145.665 người, người Mạ đứng ở vị trí thứ 3 với 31.869 người, thứ 4 là người Nùng với 24.526 người, người Tày có 20.301 người, Chu Ru có 18.631 người, người Hoa có 14.929 người, Mnông có 9.099 người, người Thái có 5.277 người, người Mường có 4.445 người cùng các dân tộc ít người khác như Mông với 2.894 người, Dao với 2.423 người, Khơ Me với 1.098 người...ít nhất là Lô Lô, Cơ Lao và Cống mỗi dân tộc chỉ có duy nhất 1 người.

Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, Toàn tỉnh Lâm Đồng có 12 Tôn giáo khác nhau chiếm 599.461 người. Trong đó, nhiều nhất là Công giáo có 303.761.312 người, Phật giáo có 199.255 người, Tinh Lành có 83.542 người, Cao Đài có 12.606 người, cùng các tôn khác như Phật Giáo Hòa Hảo với 103 người, Hồi Giáo có 75 người, Bà La Môn có 72 người, 27 người theo Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, 11 người theo Minh Sư Đạo, 5 người theo đạo Bahá'í, 3 người theo Minh Lý Đạo, 1 người Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam.

Hành chính
Lâm Đồng có 2 thành phố thuộc tỉnh và 10 huyện: Thành phố Đà Lạt, Thành phố Bảo Lộc, Huyện Bảo Lâm, Huyện Cát Tiên, Huyện Di Linh, Huyện Đam Rông, Huyện Đạ Huoai, Huyện Đạ Tẻh, Huyện Đơn Dương, Huyện Lạc Dương, Huyện Lâm Hà, Huyện Đức Trọng.