Tỉnh Lai Châu

 

Lai Châu là một tỉnh biên giới thuộc vùng tây bắc Việt Nam, phía bắc giáp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phía tây và phía tây nam giáp tỉnh Điện Biên, phía đông giáp tỉnh Lào Cai, phía đông nam giáp tỉnh Yên Bái, và phía nam giáp tỉnh Sơn La.
 
 

Địa lý tự nhiên
Nằm ở phía tây bắc của Việt Nam, Lai Châu nằm cách thủ đô Hà Nội 450 km về phía tây bắc, có toạ độ địa lý từ 21o51 phút đến 22o49 phút vĩ độ Bắc và 102o19 phút đến 103o59 phút kinh độ Đông. phía bắc giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; phía đông giáp với tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La; phía tây và phía nam giáp với tỉnh Điện Biên. Lai Châu có 273 km đường biên giới với cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều lối mở trên tuyến biên giới Việt – Trung trực tiếp giao lưu với các lục địa rộng lớn phía tây nam Trung Quốc; được gắn với khu vực tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh bằng các tuyến Quốc lộ 4D, Quốc lộ 70, Quốc lộ 32 và đường thuỷ sông Đà. Lai Châu có tiềm năng để phát triển dịch vụ – thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch, đồng thời, cũng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Lai Châu nằm trong khu vực đầu nguồn và phòng hộ đặc biệt xung yếu củasông Đà, sông Nậm Na và sông Nậm Mu, điều tiết nguồn nước trực tiếp cho các công trình thuỷ điện lớn trên sông Đà, đảm bảo sự phát triển bền vững cả vùn châu thổ sông Hồng.

Địa hình được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng tây bắc - Đông Nam, có nhiều đỉnh núi cao như đỉnh Pu Sa Leng cao 3.096 m. Núi đồi cao và dốc, xen kẽ nhiều thung lũng sâu và hẹp, có nhiều cao nguyên, sông suối. Sông có nhiều thác ghềnh, dòng chảy lưu lượng lớn nên tiềm năng thuỷ điện rất lớn. Lai Châu có đặc điểm địa hình là vùng lãnh thổ nhiều dãy núi và cao nguyên. phía đông khu vực này là dãy núi Hoàng Liên Sơn, phía tây là dãy núi Sông Mã (độ cao 1.800m). Giữa hai dãy núi đồ sộ trên là phần đất thuộc vùng núi thấp tương đối rộng lớn và lưu vực sông Đà với nhiều cao nguyên đá vôi (dài 400 km, rộng từ 1 – 25 km, cao 600 – 1.000m). Trên 60% diện tích có độ cao trên 1.000m, trên 90% diện tích có độ dốc trên 25o, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi chạy dài theo hướng tây bắc – Đông Nam, xen kẽ là các thung lũng có địa hình tương đối bằng phẳng như: Mường So, Tam Đường, Bình Lư, Than Uyên… Có đỉnh núi Phan Xi Păng cao 3.143m, Pu Sam Cáp cao 1.700m… Núi đồi cao và dốc, xen kẽ nhiều thung lũng sâu và hẹp, có nhiều sông suối, nhiều thác ghềnh, dòng chảy lưu lượng lớn nên có nhiều tiềm năng về thuỷ điện.

Lai Châu có khí hậu cận nhiệt đới ẩm. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 21 °C-23 °C chia làm hai mùa theo độ ẩm là mùa mưa và mùa khô, chia làm 4 mùa theo nhiệt độ: xuân, hè, thu, đông.
 
 

Lịch sử
Xưa kia Lai Châu đặt dưới quyền điều hành của tù trưởng các dân tộc Thái, quy phục triều đình Việt Nam. Đây vốn là một châu thuộc phủ Điện Biên, tỉnh Hưng Hóa xưa.

Tiểu quân khu phụ Lai Châu gồm châu Lai, châu Luân, châu Quỳnh Nhai, châu Phong Thổ được thành lập theo Nghị định ngày 5 tháng 6 năm 1893 của Toàn quyền Đông Dương và trực thuộc tỉnh Vạn Bú từ ngày 10 tháng 10 năm 1895. Tỉnh Vạn Bú đổi tên thành tỉnh Sơn La năm 1904, do đó Lai Châu lại thuộc tỉnh Sơn La.

Tỉnh Lai Châu được thành lập theo Nghị định ngày 28 tháng 6 năm 1909 của Toàn quyền Đông Dương. Lúc đó tỉnh Lai Châu gồm các châu Lai, châu Quỳnh Nhai, châu Điện Biên tách ra từ tỉnh Sơn La, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Lai Châu (nay là thị xã Mường Lay thuộc tỉnh Điện Biên). Ngày 16 tháng 1 năm 1915 tỉnh Lai Châu bị thay thế bằng Đạo Quan binh 4 Lai Châu dưới sự cai trị quân sự.

Năm 1948 Lai Châu thuộc Khu tự trị Thái trong Liên bang Đông Dương đến năm 1950 thì gộp và Hoàng triều Cương thổ của Quốc trưởng Bảo Đại.

Thời kỳ 1953-1955 khi Việt Minh tiếp quản thì tỉnh Lai Châu thuộc Khu tây bắc, tách khỏi Liên khu Việt Bắc.

Ngày 29/4/1955, tỉnh Lai Châu giải thể, 6 châu của tỉnh Lai Châu cũ (Mường Tè, Mường Lay, Sình Hồ, Điện Biên, Quỳnh Nhai, Tuần Giáo) trực thuộc Khu tự trị Thái Mèo.

Ngày 18/10/1955, thành lập châu Tủa Chùa gồm 8 xã, tách từ châu Mường Lay.

Ngày 27/10/1962, đổi tên Khu tự trị Thái Mèo thành Khu tự trị tây bắc, đồng thời tái lập tỉnh Lai Châu, gồm 7 huyện: Mường Tè, Mường Lay, Sình Hồ (nay là Sìn Hồ), Điện Biên, Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Tủa Chùa. Đến cuối năm 1975, giải thể cấp Khu tự trị.

Năm 1979, Quân Trung Quốc đã xâm lăng, đánh chiếm tỉnh lỵ, phá hủy nhiều cơ sở trước khi rút quân về bên kia biên giới. Sau này tỉnh lỵ chuyển về thị xã Điện Biên Phủ, (nay là thành phố Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Điện Biên).

Trước khi tách tỉnh, tỉnh Lai Châu có diện tích lớn nhất miền Bắc Việt Nam, thứ hai Việt Nam (sau tỉnh Đắc Lắc): 16.919 km², dân số 715.300 người (1999).

Tháng 1 năm 2002, thành lập huyện Tam Đường trên cơ sở một phần diện tích và dân số của huyện Phong Thổ; thành lập huyện Mường Nhé trên cơ sở một phần diện tích và dân số của các huyện Mường Tè, Mường Lay.

Tháng 11 năm 2003, Quốc hội ra Nghị quyết trong đó chia tỉnh Lai Châu thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên. Tỉnh Lai Châu mới có diện tích tự nhiên là 906.512,30 ha và dân số vào thời điểm 2003 là 313.511 người, bao gồm huyện Phong Thổ; huyện Tam Đường; huyện Mường Tè; huyện Sìn Hồ; xã Pú Đao, xã Chăn Nưa, xã Nậm Hàng, bản Thành Chử thuộc xã Xá Tổng của huyện Mường Lay; phưường Lê Lợi của thị xã Lai Châu; huyện Than Uyên của tỉnh Lào Cai. Tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Phong Thổ thuộc huyện Tam Đường.

Tháng 1 năm 2004, địa giới các huyện Mường Tè và Sìn Hồ được điều chỉnh lại.

Tháng 10 năm 2004, thành lập thị xã Lai Châu mới, thị trấn Phong Thổ mới và thị trấn Tam Đường. (Năm 2005, thị xã Lai Châu cũ (thuộc tỉnh Điện Biên) được đổi thành thị xã Mường Lay).

Tháng 12 năm 2006, điều chỉnh địa giới hành chính xã, huyện; thành lập xã thuộc các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Sìn Hồ và Than Uyên.

Tháng 4 năm 2008, thành lập một số xã, thị trấn thuộc huyện Than Uyên, huyện Tam Đường, huyện Mường Tè.

Tháng 10 năm 2011, thành lập một số xã, thị trấn thuộc các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Than Uyên.

Tháng 11 năm 2012 Thành lập huyện Nậm Nhùn theo nghị định số 71/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam trên cơ sở một phần của huyện Mường Tè cũ và một phần của huyện Sìn Hồ cũ. Nậm Nhùn rộng 1388,0839 km2 và có 24.165 nhân khẩu.

Hành chính
Theo điều tra dân số ngày 01/04/2009, dân số tỉnh Lai Châu là 370.135 người, xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố cả nước, chỉ trên tỉnh Bắc Kạn. Lai Châu có 1 thị xã và 7 huyện: Thị xã Lai Châu, Huyện Mường Tè,     Huyện Phong Thổ, Huyện Sìn Hồ, Huyện Tam Đường, Huyện Than Uyên, Huyện Tân Uyên, Huyện Nậm Nhùn.