Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

 

Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc vùng Đô thị Thành Phố Hồ Chí Minh. Tỉnh lỵ của tỉnh (từ khi thành lập tỉnh đến ngày 1 tháng 5 năm 2012) và đô thị lớn nhất tỉnh là thành phố du lịch thành phố Vũng Tàu. Từ ngày 2 tháng 5 năm 2012, tỉnh lị chuyển đến thành phố Bà Rịa. Hiện nay Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh duy nhất trong nước có tỉnh lị không phải là đô thị lớn nhất trong tỉnh và là tỉnh có hai thành phố trực thuộc tỉnh ở khu vực phía nam. Tốc độ đô thị hóa 26% đứng thứ 2 sau Thành Phố Hồ Chí Minh trong vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam.
 
 

Tự nhiên
Địa lý
Tỉnh tiếp giáp tỉnh Đồng Nai ở phía bắc, Thành phố Hồ Chí Minh ở phía tây, tỉnh Bình Thuận ở phía đông, còn phía nam giáp Biển Đông.

Khí hậu
Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa; một năm chia hai mùa rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, thời gian này có gió mùa Tây Nam. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, thời gian này có gió mùa Đông Bắc.

Nhiệt độ trung bình hàng năm là 27°C, tháng thấp nhất khoảng 24,8°C, tháng cao nhất khoảng 28,6°C. Số giờ nắng rất cao, trung bình hàng năm khoảng 2400 giờ. Lượng mưa trung bình 1500mm. Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong vùng ít có bão.

Địa hình
Bà Rịa - Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính nằm trên đất liền và một đơn vị hành chính hải đảo là huyện Côn Đảo. Địa hình tỉnh có thể chia làm 4 vùng: bán đảo hải đảo, vùng đồi núi bán trung du và vùng thung lũng đồng bằng ven biển. Bán đảo Vũng Tàu dài và hẹp diện tích 82,86 km2, độ cao trung bình 3-4m so với mặt biển. Hải đảo bao gồm quần đảo Côn Lôn và đảo Long Sơn. Vùng đồi núi bán trung du nằm ở phía Bắc và Đông Bắc tỉnh phần lớn ở huyện Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc. Ở vùng này có vùng thung lũng đồng bằng ven biển bao gồm một phần đất của các huyện Tân Thanh Long Điền, Bà Rịa, Đất Đỏ. Khu vực này có những đồng lúa nước, xen lẫn những vạt đôi thấp và rừng thưa có những bãi cát ven biển. Thềm lục địa rộng trên 100.000 km2
 
 

Lịch sử
Năm 1658, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đưa 2.000 quân đánh thành Mô Xoài của Chân Lạp (thuộc vùng đất Bà Rịa ngày nay). Lý do của cuộc chinh phạt này được Chúa Nguyễn đưa ra là để bảo vệ những cư dân người Việt đã vào đây làm ăn sinh sống. Trận này, Chúa Nguyễn bắt được vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân. Chân Lạp xin được làm chư hầu và triều cống hàng năm. Năm Giáp Tuất, Thái Tông thứ 27 (1674), Chúa Hiền lại sai Nguyễn Dương Lâm và Nguyễn Diên đem quân đánh lũy Bô Tâm của Chân Lạp ở xứ Mô Xoài mà về sau người Việt gọi là Lũy cũ Phước Tứ (vùng thị trấn Long Điền ngày nay).

Tỉnh Bà Rịa được thành lập tháng 12 năm 1899 trên địa bàn phủ Phước Tuy của tỉnh Biên Hòa.

Tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lập tỉnh Phước Tuy gồm địa bàn tỉnh Bà Rịa và quần đảo Hoàng Sa.

Từ tháng 3 năm 1963 đến tháng 12 năm 1963 và từ tháng 11 năm 1966 đến tháng 10 năm 1967, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sáp nhập tỉnh Bà Rịa với tỉnh Biên Hòa và tỉnh Long Khánh thành tỉnh Bà Biên.

Từ tháng 2 năm 1976 sáp nhập vào tỉnh Đồng Nai.

Từ tháng 5 năm 1979 lập Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo.

Từ tháng 8 năm 1991 lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gồm Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo và một số huyện thuộc tỉnh Đồng Nai vốn thuộc tỉnh Bà Rịa trước kia (Châu Thành, Long Đất và Xuyên Mộc). Khi đó Bà Rịa Vũng Tàu gồm 1 Thị xã Vũng Tàu và 4 huyện: Châu Thành, Xuyên Mộc, Long Đất và Côn Đảo.

Trước ngày 9 tháng 12 năm 2003, 2 huyện Long Điền và Đất Đỏ thuộc huyện Long Đất.

Dân số
Tính đến năm 2011, dân số toàn tỉnh đạt gần 1.027.200 người, mật độ dân số đạt 516 người/km². Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 512.100 người, dân số sống tại nông thôn đạt 515.100 người. Dân số nam đạt 513.4100 người, trong khi đó nữ đạt 513.800 người. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 8,9 ‰.

Theo thống kê của tổng cục thống kê Việt Nam, tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, Trên địa bàn toàn tỉnh có 28 dân tộc và người nước ngoài cùng sinh sống. Trong đó, người kinh đông nhất với 972.095 người, tiếp sau đó là người Hoa có 10.042 người, đông thứ ba là người Chơ Ro với 7.632 người người Khơ Me chiếm 2.878 người, Người Tày có 1.352 người, cùng một số dân tộc ích người khác như người Nùng có 993 người, người Mường có 693 người, người Thái có 230 người, ít nhất là các dân tộc như Người Xơ Đăng, Hà Nhì, Chu Ru, Cờ Lao mỗi dân tộc chỉ có 1 người, Người nước ngoài thì có 59 người.

Tôn giáo
- Phật giáo: 292.000 tín đồ, 32255 tu sỹ, tăng ni, 334 cơ sở thờ tự
- Công giáo: 249.345 tín đồ, 995 linh mục, tu sỹ, 144 cơ sở thờ tự
- Cao Đài: 9.148 tín đồ, 458 chức sắc, chức việc, 19 cơ sở thờ tự
- Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam: 5.049 tín đồ, 15 chức sắc, 08 cơ sở thờ tự
- Bửu Sơn Kỳ Hương: 1.800 tín đồ[19]
- Tin Lành: 7000 tín đồ, 8 chức sắc, 7 cơ thờ tự[20]
- Tôn giáo khác: 4,34%
- Không theo bất kỳ tôn giáo nào: 46,11%
Mỗi năm, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tăng thêm khoảng 30.000 dân (chủ yếu là dân từ các tỉnh thành khác đến sinh sống).

Hành chính
Bà Rịa - Vũng Tàu có hai thành phố trực thuộc tỉnh và 6 huyện. Trong đó được chia nhỏ thành 82 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 8 thị trấn, 25 phường và 49 xã.